Như chúng ta đã biết, nếu công dân Hoa Kỳ qua đời khi đang mở hồ sơ bảo lãnh vợ hay chồng thì hồ sơ sẽ tự chuyển qua hồ sơ góa phụ/quan phu (EB4). Nhưng với những hồ sơ bảo lãnh diện F thì sao?
Những trường hợp bảo lãnh khác không thuộc Công dân Mỹ bảo lãnh diện vợ chồng, khi Người bảo lãnh qua đời thì hệ quả pháp lý đối với hồ sơ bảo lãnh cũng được phân thành các trường hợp sau.
Người bảo lãnh chết trước khi Hồ sơ bảo lãnh được chấp thuận
Trường hợp này đồng nghĩa với việc những gì Người được bảo lãnh đang có chỉ là Thông báo tiếp nhận hồ sơ của Sở Di trú. Khi Người bảo lãnh qua đời trước khi có chấp thuận hồ sơ, Người được bảo lãnh cần yêu cầu Sở Di trú áp dụng Điều khoản cầu cứu 204 (l) để xin “chấp thuận hồ sơ bảo lãnh theo Điều khoản 204 (l) mặc dù Người bảo lãnh đã qua đời”.
Người bảo lãnh chết sau khi Hồ sơ bảo lãnh được chấp thuận
Quyết định chấp thuận đối với hồ sơ bảo lãnh trong trường hợp này sẽ tự động bị thu hồi theo quy đinh của pháp luật về di trú của Mỹ. Tuy nhiên, sự thu hồi chấp thuận không đồng nghĩa với hồ sơ bảo lãnh bị chấm dứt. Thay vào đó, Người được bảo lãnh vẫn có thể yêu cầu phục hồi chấp thuận Hồ sơ theo điều khoản 204 (l) vì lý do nhân đạo.
Trong cả hai trường hợp trên, Người được bảo lãnh đều pháp đáp ứng một số điều kiện cơ bản sau:
- Người được bảo lãnh sinh sống tại Mỹ tại thời điểm Người bảo lãnh qua đời và sẽ tiếp tục sinh sống tại đó cho đến khi Sở Di trú đưa ra quyết định đối với đơn yêu cầu xử lý hệ quả hồ sơ bảo lãnh của mình;
- Tìm được Người bảo lãnh thay thế với tư cách là người hỗ trợ tài chính thay cho người đã mất. Người bảo lãnh thay thế này cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện để trở thành Người bảo lãnh.
Người thay thế phải thỏa mãn những điều kiện sau:
1. Cấp bậc của người thay thế
- Người bảo lãnh là cha hoặc mẹ, người thay thế có thể là mẹ hoặc cha (F1, F2A, F2B, F3)
- Người bảo lãnh là con, người thay thế có thể là một trong những người con khác (IR5).
- Người bảo lãnh là anh chị em, người thay thế có thể là một trong những anh chị em khác (F4).
- Người bảo lãnh là vợ/chồng thì không có người thay thế (CR1, IR1). Trường hợp này hồ sơ sẽ đóng lại. Người được bảo lãnh ở Việt Nam có thể nộp hồ sơ tự bảo lãnh.
2. Tài chính của người thay thế. Người thay thế đủ khả năng tài chính để bảo trợ cho người được bảo lãnh. Trường hợp này vẫn có thể tìm đồng bảo trợ nếu người thay thế không đủ tài chính.
3. Thông báo kịp thời cho nơi xử lý hồ sơ. Tùy thuộc vào hồ sơ bảo lãnh đang ở giai đoạn nào, người thay thế phải thông báo cho nơi đang xử lý hồ sơ biết việc người bảo lãnh qua đời. Việc thông báo chậm trễ khiến đơn I-130 có thể không được phục hồi.
Việc đánh giá của Sở Di trú đối với các yêu cầu nộp theo điều khoản 204 (l) thường mang yếu tố chủ quan. Sẽ không có một quy chuẩn nhất định để ra phán quyết chấp thuận hồ sơ hay không. Thay vào đó, Sở Di trú sẽ cân nhắc các ưu, khuyết điểm và sự chênh lệch giữa hai yếu tố trên khi xem xét chấp thuận đơn.
Khi xem xét đơn yêu cầu, Sở Di trú có thể cân nhắc một số khía cạnh bao gồm nhưng không hạn chế sau đây:
- Tác động đến cuộc sống gia đình ở Mỹ (đặc biệt đối vơi Công dân Mỹ, Thường trú nhân Mỹ hoặc các bộ phận khác sinh sống hợp pháp tại Mỹ);
- Tuổi tác cao hoặc có các vấn đề về sức khỏe;
- Sinh sống hợp pháp ở Mỹ trong một thời gian dài;
- Các yếu tố khác như sự chậm trễ và kéo dài trong quá trình xử lý của chính phủ, v.v.
Người bảo lãnh qua đời sẽ gây nên nhiều hệ quả pháp lý phức tạp đối với hồ sơ. Do đó, Người được bảo lãnh cùng với Luật sư của mình cần ngay lập tức đưa ra các yêu cầu phù hợp đến Sở Di trú. Mục đích là để giúp mở ra, duy trì hoặc phục hồi hồ sơ bảo lãnh của mình.
Website: ditruquoctich.com
Địa chỉ: Lầu 5 tòa nhà Master, 41 - 43 Trần Cao Vân, Phường 6, Quận 3